Hồ sơ, thủ tục & quy trình thẩm duyệt thiết kế PCCC 2025

preview

 

Thẩm duyệt PCCC là yêu cầu bắt buộc nhằm đảm bảo công trình tuân thủ đúng quy định pháp luật, giảm thiểu nguy cơ cháy nổ, đồng thời bảo vệ tính mạng và tài sản. Kết quả thẩm duyệt thiết kế PCCC cũng là căn cứ quan trọng để xem xét, phê duyệt quy hoạch và cấp giấy phép xây dựng cho các công trình.

  1. Thẩm duyệt thiết kế PCCC là gì?

Căn cứ theo quy định tại Khoản 2 Điều 13 Nghị định 136/2020/NĐ-CP

Thẩm duyệt thiết kế phòng cháy chữa cháy (PCCC) là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành kiểm tra, xem xét và đối chiếu các giải pháp, nội dung thiết kế dự án, công trình, phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về đảm bảo an toàn PCCC theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định của pháp luật Việt Nam về PCCC cũng như tiêu chuẩn quốc tế về PCCC được phép áp dụng tại Việt Nam. 

Thẩm duyệt PCCC là gì?
Thẩm duyệt PCCC là gì?

Kết quả nhận được sau khi thẩm duyệt thiết kế PCCC sẽ là một trong những căn cứ pháp lý quan trọng để:

  • Phê duyệt dự án, phê duyệt quy hoạch;
  • Thẩm định thiết kế xây dựng cho các công trình;
  • Cấp phép xây dựng cho các công trình, dự án. 

  1. Những quy định pháp luật liên quan đến thẩm duyệt PCCC

Để đảm bảo hiệu quả trong công tác phòng cháy chữa cháy, pháp luật Việt Nam đã ban hành nhiều quy định cụ thể liên quan đến thẩm duyệt PCCC. Hệ thống các quy định này tạo nên một hành lang pháp lý chặt chẽ và minh bạch cho việc thiết kế, xây dựng và vận hành các công trình. 

  • Luật Phòng cháy và Chữa cháy  năm 2001 (sửa đổi, bổ sung năm 2013): Đây là cơ sở pháp lý cơ bản, quy định rõ trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức trong việc bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy. Trong đó, thẩm duyệt PCCC là yêu cầu bắt buộc đối với một số công trình, dự án cụ thể. 
  • Nghị định 136/2020/NĐ-CP: Nghị định này đưa ra các hướng dẫn chi tiết về việc thẩm duyệt thiết kế PCCC. Quy trình thẩm duyệt bao gồm các bước: kiểm tra thiết kế, thẩm định tài liệu và kiểm tra thực địa (nếu cần). 
  • Thông tư 149/2020/TT-BCA: Quy định chi tiết về mẫu biểu và quy trình thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy. Theo đó, các cá nhân, tổ chức phải cung cấp được đầy đủ hồ sơ và tuân thủ theo các tiêu chuẩn kỹ thuật trong thiết kế hệ thống PCCC.
  • Nghị định 144/2021/NĐ-CP: Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy. Theo đó, các hành vi trái với quy định về thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định này. 

Những quy định này không chỉ đặt ra yêu cầu kỹ thuật nghiêm ngặt đối với hệ thống PCCC mà còn xác định rõ trách nhiệm của các bên liên quan trong việc thiết kế, xây dựng và vận hành các công trình.  

  1. Đối tượng nào thuộc diện thẩm duyệt PCCC?

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 13 Nghị định 136/2020/NĐ-CP, các đối tượng thuộc diện thẩm duyệt thiết kế PCCC bao gồm: 

  • Đồ án quy hoạch xây dựng hoặc điều chỉnh quy hoạch xây dựng đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao và các khu vực chức năng khác theo Luật Quy Hoạch ;
  • Các công trình, dự án được quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định 136/2020/NĐ-CP khi xây dựng mới, cải tạo hoặc thay đổi mục đích, tính chất sử dụng có ảnh hưởng đến một trong số các yêu cầu an toàn PCCC quy định tại Điểm b Khoản 5 Điều 13 Nghị định này;
  • Các phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về đảm bảo an toàn PCCC quy định tại Mục 21 Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định 136/2020/NĐ-CP khi chế tạo mới hoặc hoán cải ảnh hưởng đến một trong số các yêu cầu an toàn PCCC quy định tại Điểm c Khoản 5 Điều 13 Nghị định này.  
Đối tượng thuộc diện thẩm duyệt thiết kế PCCC
Đối tượng thuộc diện thẩm duyệt thiết kế PCCC

  1. Hồ sơ thẩm duyệt PCCC gồm những giấy tờ gì? 

Hồ sơ đề nghị thẩm duyệt thiết kế PCCC được quy định cụ thể tại Khoản 4 Điều 13 Nghị định 136/2020/NĐ-CP như sau: 

Trường hợp 1: Đối với đồ án quy hoạch xây dựng

(1) Văn bản đề nghị xem xét, cho ý kiến về giải pháp PCCC của tổ chức, đơn vị lập quy hoạch (Mẫu số PC06); 

(2) Tài liệu và bản vẽ quy hoạch chi tiết thể hiện rõ những nội dung yêu cầu về giải pháp PCCC quy định tại Khoản 1, 2, 3, 4 Điều 10 Nghị định này. Trong đó: 

  • Đối với khu công nghiệp trên 20 ha: Bản vẽ tỷ lệ 1/2000;
  • Đối với các trường hợp còn lại: Bản vẽ tỷ lệ 1/500;

Trường hợp 2: Đối với chấp thuận địa điểm xây dựng công trình

Đối với chấp thuận địa điểm xây dựng trước khi thiết kế các công trình độc lập có nguy cơ cháy nổ (quy định tại Mục 15, 16 Phụ lục V ban hành theo Nghị định 136/2020/NĐ-CP), hồ sơ thẩm duyệt thiết kế PCCC bao gồm:

  • Văn bản đề nghị chấp thuận địa điểm xây dựng về phòng cháy và chữa cháy của chủ đầu tư (Mẫu số PC06); nếu chủ đầu tư ủy quyền cho một đơn vị khác thực hiện thì phải có văn bản ủy quyền theo đúng quy định của pháp luật; 
  • Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc văn bản chứng minh quyền sử dụng đất hợp pháp đối với công trình; 
  • Bản vẽ, tài liệu thể hiện rõ hiện trạng địa hình của khu đất có liên quan đến PCCC (chẳng hạn như: cao độ công trình, bậc chịu lửa của công trình, hướng gió, khoảng cách từ công trình đến các công trình xung quanh);
Chuẩn bị hồ sơ thẩm định phê duyệt PCCC
Chuẩn bị hồ sơ thẩm định phê duyệt PCCC

Trường hợp 3: Đối với thiết kế cơ sở của dự án, công trình

Đối với thiết kế cơ sở của dự án, công trình, cần chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ sau đây:

  • Văn bản đề nghị xem xét, cho ý kiến về giải pháp PCCC của chủ đầu tư (Mẫu số PC06);
  • Văn bản ủy quyền theo quy định của pháp luật trong trường hợp chủ đầu tư ủy quyền cho một đơn vị khác thực hiện thủ tục;
  • Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng công trình đối với dự án sử dụng vốn đầu tư công; 
  • Văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng (nếu có) hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (nếu có) hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc văn bản chứng minh quyền sử dụng đất hợp pháp đối với dự án, công trình sử dụng vốn khác; 
  • Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ PCCC của đơn vị tư vấn thiết kế về PCCC;
  • Bản vẽ và bản thuyết minh thiết kế cơ sở thể hiện những nội dung yêu cầu về giải pháp PCCC quy định tại Điều 11 Nghị định này;

Trường hợp 4: Đối với thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công dự án, công trình

Đối với thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công dự án, công trình, hồ sơ thẩm duyệt thiết kế PCCC bao gồm các giấy tờ sau: 

  • Văn bản đề nghị thẩm duyệt thiết kế PCCC do chủ đầu tư lập (theo Mẫu số PC06);
  • Văn bản ủy quyền hợp pháp trong trường hợp chủ đầu tư giao cho một đơn vị khác thực hiện thủ tục;
  • Văn bản góp ý thiết kế cơ sở về PCCC của Cơ quan Cảnh sát PCCC (nếu có);
  • Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng đối với các dự án sử dụng vốn đầu tư công.
  • Một trong các giấy tờ như: Văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng; Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc văn bản chứng minh quyền sử dụng đất hợp pháp đối với công trình sử dụng vốn khác; 
  • Giấy xác nhận đơn vị tư vấn thiết kế PCCC đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ PCCC;
  • Dự toán xây dựng công trình; 
  • Bản vẽ và bản thuyết minh thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về PCCC quy định tại Điều 11 Nghị định này;
  • Bản sao Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế, văn bản thẩm duyệt thiết kế, bản vẽ được đóng dấu thẩm duyệt về PCCC (đối với hồ sơ thiết kế cải tạo, điều chỉnh); 
  • Văn bản thẩm định thiết kế xây dựng của cơ quan chuyên môn về xây dựng (nếu có);

  1. Bản vẽ thẩm duyệt PCCC gồm những gì?

Bản vẽ thẩm duyệt PCCC là cơ sở để cơ quan chức năng thẩm định và cấp phép cho các dự án, công trình. Theo đó, chủ đầu tư cần chuẩn bị đầy đủ các loại bản vẽ sau đây:

5.1 Bản thiết kế quy hoạch chung về PCCC cho công trình

Đây là bản vẽ cung cấp cái nhìn tổng quan về cách bố trí hệ thống PCCC trong toàn bộ công trình. Theo đó, bản vẽ phải thể hiện được các nội dung sau đây:

  • Tổng thể mặt bằng công trình, thể hiện rõ vị trí các hạng mục, khu vực an toàn, lối thoát nạn và các đường giao thông phục vụ xe chữa cháy.
  • Các khu vực nguy hiểm về cháy nổ, khoảng cách an toàn PCCC với các công trình liền kề.
  • Sơ đồ phân bố hệ thống PCCC tại công trình, bao gồm hệ thống báo cháy, chữa cháy và thoát hiểm.
  • Chia công trình thành các khu vực riêng biệt  để dễ dàng quản lý và chữa cháy khi có sự cố.
Bản thiết kế quy hoạch chung về PCCC
Bản thiết kế quy hoạch chung về PCCC

5.2 Bản thiết kế hạ tầng PCCC của công trình

Bản vẽ này tập trung thể hiện các hệ thống hạ tầng phục vụ cho công tác PCCC, bao gồm:  

  • Mạng lưới cấp nước chữa cháy, bao gồm hệ thống bể nước, trạm bơm, họng nước chữa cháy trong nhà và ngoài trời. 
  • Hệ thống điện phục vụ PCCC, bao gồm: nguồn điện chính và dự phòng cho các thiết bị chữa cháy.
  • Đường giao thông và bãi đỗ xe chữa cháy đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật.

5.3 Bản thiết kế kỹ thuật PCCC

Đây là bản vẽ chi tiết nhất, cung cấp các thông tin kỹ thuật về từng hệ thống PCCC như:

  • Sơ đồ bố trí các thiết bị báo cháy tự động, đầu phun chữa cháy tự động (sprinkler) và các hệ thống liên quan khác.
  • Chi tiết kỹ thuật của các thiết bị PCCC như máy bơm chữa cháy, van điều áp, hệ thống hút khói,...
  • Kế hoạch thoát nạn và cứu hộ, bao gồm bố trí cầu thang thoát hiểm, cửa chống cháy và biển chỉ dẫn.
  • Các giải pháp theo đặc thù công trình như hệ thống chữa cháy bằng khí hoặc bọt đối với kho hàng hóa đặc biệt.

  1. Trình tự thủ tục yêu cầu thẩm duyệt thiết kế PCCC

Dưới đây là trình tự các bước yêu cầu thẩm duyệt thiết kế PCCC cho các công trình, dự án: 

Quy trình thẩm duyệt thiết kế PCCC
Quy trình thẩm duyệt thiết kế PCCC

Bước 1: Chuẩn bị và nộp hồ sơ

Bước đầu tiên, cá nhân hoặc tổ chức cần chuẩn bị 01 bộ hồ sơ thẩm duyệt PCCC theo quy định tại Nghị định 136/2020/NĐ-CP. Hồ sơ sau đó được nộp cho cơ quan có thẩm quyền theo một trong các hình thức sau đây: 

  • Cách 1: Nộp hồ sơ trực tiếp tại Bộ phận một cửa của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
  • Cách 2: Nộp hồ sơ trực tuyến qua Cổng Dịch vụ công của cấp có thẩm quyền;
  • Cách 3: Nộp hồ sơ qua đường bưu chính hoặc qua ủy quyền theo quy định của pháp luật. 

Bước 2: Cơ quan có thẩm quyền kiểm tra hồ sơ

Cơ quan có thẩm quyền chịu trách nhiệm tiếp nhận và kiểm tra thành phần cũng như tính hợp lệ của hồ sơ. 

  • Nếu hồ sơ đầy đủ thành phần và hợp lệ theo quy định, cơ quan có thẩm quyền sẽ tiếp nhận và ghi thông tin vào Phiếu tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính về PCCC (Mẫu số PC03);
  • Trường hợp hồ sơ còn thiếu sót hoặc chưa hợp lệ theo quy định, cơ quan có thẩm quyền chịu trách nhiệm đưa ra hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ. Đồng thời ghi nhận thông tin vào Phiếu hướng dẫn bổ sung hồ sơ đề nghị giải quyết thủ tục hành chính về PCCC (Mẫu số PC04).

Bước 3: Thông báo kết quả xử lý hồ sơ

  • Hồ sơ nộp trực tiếp tại Bộ phận Một cửa của cơ quan có thẩm quyền: Cán bộ tiếp nhận phải giao 01 bản Phiếu tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính về PCCC hoặc Phiếu hướng dẫn bổ sung hồ sơ đề nghị giải quyết thủ tục hành chính về PCCC cho người nộp hồ sơ và lưu 01 bản;
  • Hồ sơ nộp trực tuyến qua Cổng Dịch vụ công của cấp có thẩm quyền: Cán bộ tiếp nhận gửi thông báo qua thư điện tử và tin nhắn về việc tiếp nhận hoặc hướng dẫn bổ sung hồ sơ đến cá nhân, tổ chức đã nộp hồ sơ;
  • Hồ sơ nộp qua dịch vụ bưu chính hoặc qua ủy quyền: Cán bộ tiếp nhận phải gửi 01 bản Phiếu tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính về PCCC hoặc Phiếu hướng dẫn bổ sung hồ sơ đề nghị giải quyết thủ tục hành chính về PCCC cho cá nhân, tổ chức nộp hồ sơ và lưu lại 01 bản;
  • Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ: Cơ quan có thẩm quyền phải có văn bản trả lời đến cá nhân, tổ chức theo thời hạn về việc từ chối giải quyết hồ sơ. 

  1. Thời hạn thẩm duyệt thiết kế PCCC là bao lâu?

Căn cứ theo quy định tại Khoản 10 Điều 13 Nghị định 136/2020/NĐ-CP, thời hạn thẩm duyệt PCCC được tính kể từ ngày cơ quan nhà nước tiếp nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Cụ thể với từng trường hợp như sau:

Loại hình 

Thời hạn thẩm duyệt PCCC 

Đồ án quy hoạch xây dựng

Không quá 05 ngày làm việc.

Chấp thuận địa điểm xây dựng công trình

Không quá 05 ngày làm việc.

Thiết kế cơ sở

Không quá 10 ngày làm việc (đối với dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A).


Không quá 05 ngày làm việc (đối với các dự án còn lại).

Thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công 

Không quá 15 ngày làm việc (đối với dự án, công trình quan trọng quốc gia, dự án, công trình nhóm A).


Không quá 10 ngày làm việc (đối với các dự án, công trình còn lại).

Thiết kế kỹ thuật phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn PCCC

Không quá 10 ngày làm việc.

  1. Quy định về thẩm quyền thẩm duyệt thiết kế PCCC

Khoản 12 Điều 13 Nghị định 136/2020/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 50/2024/NĐ-CP) có quy định cụ thể về thẩm quyền thẩm duyệt PCCC như sau: 

  • Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ có thẩm quyền thẩm duyệt PCCC đối với các dự án, công trình quy định tại Phụ lục V Nghị định này; 
  • Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ có thẩm quyền thẩm duyệt PCCC đối với các dự án, công trình và phương tiện giao thông cơ giới (được quy định tại Phụ lục V Nghị định này) tại địa bàn đang quản lý và các dự án, công trình, phương tiện giao thông khác do Cục Cảnh sát ủy quyền. 

  1. Những thắc mắc thường gặp

9.1 Phí thẩm duyệt PCCC là bao nhiêu? 

Theo quy định tại Thông tư 258/2016/TT-BTC, mức phí thẩm duyệt được tính bằng công thức:

Mức phí thẩm duyệt = Tổng mức đầu tư dự án được phê duyệt x Tỷ lệ tính phí

Như vậy, tùy thuộc vào tổng mức đầu tư của dự án mà chi phí thẩm duyệt thiết kế PCCC sẽ có sự chênh lệch. Ngoài ra, Khoản 3 Điều 5 Thông tư 258/2016/TT-BTC cũng quy định rõ, mức thu phí thẩm duyệt của một dự án tối thiểu là 500.000 đồng và tối đa là 150.000.000 đồng.

9.2 Những lỗi thường gặp khi thẩm duyệt thiết kế PCCC?

Dưới đây là những lỗi thường gặp khi thẩm duyệt PCCC mà bạn cần lưu ý:

  • Thiếu các tài liệu bắt buộc như bản vẽ thiết kế chi tiết hay giấy tờ pháp lý liên quan.
  • Thiết kế không đáp ứng các tiêu chuẩn về PCCC hoặc sai sót về mặt kỹ thuật.
  • Hệ thống PCCC không kết nối đồng bộ với các hệ thống kỹ thuật khác của công trình.
  • Đơn vị tư vấn thiết kế không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ PCCC.
  • Không cập nhật các quy định mới nhất về PCCC.

9.3 Có bắt buộc nghiệm thu sau khi hoàn thành thẩm duyệt PCCC?

Sau khi hoàn tất việc thi công công trình, chủ đầu tư phải đề nghị cơ quan có thẩm quyền đã thẩm duyệt trước đó đến kiểm tra và nghiệm thu kết quả. Cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành cấp văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu PCCC nếu không có gì sai sót trước khi công trình đi vào vận hành. 

Thẩm duyệt PCCC không chỉ là một yêu cầu pháp lý bắt buộc mà còn là trách nhiệm đối với sự an toàn của con người và tài sản. Để đảm bảo hiệu quả thực hiện, các bên liên quan cần phối hợp chặt chẽ và không ngừng nâng cao nhận thức về vai trò quan trọng của công tác này trong mọi dự án, công trình. 

preview
Duc Huy Bui

Chịu trách nhiệm nội dung tại Maison Interior

Nhà biên tập và quản lý đội ngũ sản xuất nội dung tại Maison Interior . Với hơn 05 năm kinh nghiệm tư vấn và biên tập nội dung sâu rộng trong lĩnh vực thiết kế nội thất và dịch vụ bất động sản.

Nhận tư vấn và báo giá thiết kế nội thất văn phòng

1

Lên bản vẽ 2D & Dự toán chi phí triển khai

2

Phương án 3D Concept cho văn phòng chi tiết

3

Các mức diện tích: 100m2 - 200m2 - 500m2 - ....

4

Khảo sát văn phòng & Tư vấn thiết kế
Gửi yêu cầu